Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Thị trường mua bán căn hộ quận Bình Tân khá im ắng

Quận Bình Tân được xem là đầu mối của những dự án vừa giá tiền, thế nhưng từ đầu năm đến nay thị trường căn hộ quận Bình Tân khá im ắng.

Vì đâu?

Thuộc khu Tây thành phố, quận Bình Tân là nơi có tiềm năng lớn về quỹ đất, giao thông thuận tiện. Trong định hướng phát triển không gian của đồ án quy hoạch chung, thành phố sẽ xây dựng quận Bình Tân đến năm 2020 thành nơi có sự hoàn chỉnh về cụm khu công nghiệp, khu dân cư, hạ tầng giao thông đô thị….

Tuy nhiên, nguồn cung thị trường căn hộ khu vực này chỉ thực sự có dấu hiệu nở rộ từ giữa đến cuối năm 2015 với các dự án như Lê Thành Tân Tạo, Western Dragon, Ehome 3, Angia Star, Nhất Lan, Tân Mai Apartment….

Trong năm 2016, thị trường Bình Tân không xuất hiện dự án mới, chủ yếu là các dự án cũ được rao bán tiếp.

Đại diện công ty Lê Thành, đơn vị chuyên đầu tư phân khúc cho thuê giá mềm tại khu vực Bình Tân cho hay, bên công ty chưa có kế hoạch gì cho dự án mới mà vẫn tiếp tục mở bán giai đoạn tiếp theo của dự án từ năm ngoái.



Theo bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Marketing Công ty Lê Thành, khách thuê/mua căn hộ khu vực Bình Tân chủ yếu là đối tượng có thu nhập trung bình khá nên mức giá chào bán căn hộ tại đây cũng mềm hơn hẳn so với các khu vực khác của TP.

“Năm 2016, lượng giao dịch có phần chững lại so với năm ngoái”, bà Phương cho hay.

Khu Tây TP.HCM có đặc thù chủ yếu là lao động nhập cư nên nhu cầu về nhà ở chủ yếu thuộc phân khúc trung bình, giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn.

Điểm cạnh tranh lớn nhất của căn hộ khu vực Bình Tân so với khu vực khác là mức giá đáp ứng khả năng tài chính của số đông người mua (trung bình khoảng 20 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, thời gian qua, các căn hộ phục vụ nhu cầu thật tại khu vực này dường như vắng bóng.

Thị trường chỉ lác đác thông tin mua đi bán lại căn hộ thuộc các dự án được chào bán trước đó.

Trong năm nay, thị trường Bình Tân chủ yếu nổi lên phân khúc đất nền – nhà phố với các dự án như khu đô thị E.City Tân Tạo, KDC Ấp 4, KDC An Lạc Bình Trị Đông, Home Dream Residence…

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phía Tây là khu vực tập trung cư dân đông nhất TP, nhưng các điều kiện về hạ tầng giao thông chưa được đầu tư mạnh mẽ như khu Đông và Nam TP.

Tình trạng ngập lụt vào mùa mưa và cư dân sống trong những khu ổ chuột vẫn tiếp diễn tại đây.

Ngoài ra, khoảng cách địa lý từ khu Tây vào trung tâm TP tương đối xa khiến các dự án BĐS chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Chính sách cản đường

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, xét tổng quan thị trường Bình Tân chưa phải là mảnh đất “màu mỡ” đối với những nhà làm BĐS.

Và phần lớn nguyên nhân sự im ắng của khu vực này thời gian qua là bởi động thái chưa đủ mạnh từ chính sách để các DN BĐS “mạnh tay” đầu tư.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành bày tỏ, nhu cầu mua nhà của người dân khu vực lân cận Bình Tân là rất lớn, nhưng DN làm dự án còn vướng đủ đường trong quá trình vận hành dự án từ cơ chế, chính sách đến thủ tục hành chính…

Ông dẫn chứng, có những dự án DN thực hiện đáng lẽ thời gian hoàn thành chỉ trong vòng 2 – 3 năm. Thế nhưng có khi DN mất cả 6 - 7 năm để giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, đền bù, giấy phép…

Ông Nghĩa cho rằng, những khó khăn của thị trường BĐS đã được nhà nước hỗ trợ rất nhiều trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo ông vẫn còn một số vấn đề phải cân nhắc, chẳng hạn như mức khung giá tiền sử dụng đất hiện nay chưa hợp lý, quá cao khiến DN BĐS nặng gánh và khoản này lại phân bổ vào giá thành sản phẩm và cuối cùng người mua nhà chịu thiệt.

“TP.HCM đã từng lâm vào tình trạng ban hành khung giá đất quá cao dẫn đến nhiều người dân không trả nổi tiền sử dụng đất khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và UBND TP đã phải giảm đơn giá tiền sử dụng đất xuống tới 50%”, ông Nghĩa dẫn ví dụ.

Theo ông Nghĩa, các dự án BĐS tại Bình Tân chủ yếu hướng đến đối tượng khách mua là người thu nhập trung bình, thấp.

DN vốn đã bán hàng khó khăn vì sự cạnh tranh thì việc tăng giá thành đối với khách mua lại càng là thử thách đối với nhà làm BĐS.

Bên cạnh người mua gánh chịu giá cao thì bản thân DN có thể bị lỗ. Đó là chưa kể đến việc tăng khung giá đất có thể sẽ làm giảm sức mua đối với TT BĐS.

Đây cũng là nội dung mà Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã từng rất nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, theo HoREA, tiền sử dụng đất vẫn là “ẩn số” rất lớn cho thị trường BĐS. Ngoài ra, vấn đề về hành chính cũng được Hiệp hội đề xuất liên tục.

Trong văn bản báo cáo kiến nghị của HoREA tại buổi làm việc với Thường trực UBND TP đầu tháng 5/2016 có nêu: “Thủ tục hành chính phiền hà, nhũng nhiễu, kéo dài làm tăng chi phí đầu tư, giảm thiểu cơ hội kinh doanh của DN, làm cho môi trường kinh doanh không minh bạch, không bình đẳng”.

Theo HoREA, TP đã ban hành một số quyết định liên quan đến vấn đề này nhưng hiện nay vẫn chưa giải quyết và đáp ứng triệt để nhu cầu thực tiễn.

Trao đổi với PV tại Lễ giới thiệu một dự án tại Q.Bình Tân, ông Mai Thanh Trúc, Giám đốc kinh doanh Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) cũng cho rằng, Bình Tân vốn có tiềm năng phát triển các dự án BĐS đáp ứng nhu cầu bình dân nhưng lại đang vướng một số rào cản nhất định trong quy hoạch, chính sách. Chính vì thế, khu vực này chưa thực sự nổi bật về phân khúc dự án so với những khu vực khác của TP.

Một số căn hộ, nhà phố quận Bình Tân đang được chào bán:
http://www.congnhadat.net/can-ho-ban/ho-chi-minh-quan-binh-tan


Theo nhipsongthoidai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét